Tập huấn “Xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương”
Ngày 13/9/2023, tại Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Toàn Thịnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tập huấn “Xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương”.
Đến dự Hội nghị có ông Dương Vĩnh Hảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, bà Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Quản trị tài sản trí tuệ và Dịch vụ công, Công ty Cổ phần Vườn ươm khởi nghiệp Việt cùng hơn 40 đại biểu đến từ các Sở, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Vĩnh Hảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phát biểu khai mạc
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ kể cả về chiều sâu và chiều rộng, trong quá trình đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh các đặc sản địa phương đã thu được nhiều thành quả to lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào khu vực có đặc sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)... thì các biện pháp trợ cấp, bảo hộ mang tính chất khuyến nông, khuyến công của Nhà nước sẽ dần bị hạn chế, sản phẩm, bao gồm cả các đặc sản của Việt Nam sẽ không còn lợi thế về giá và do đó sẽ bị cạnh tranh gay gắt và quyết liệt không chỉ tại các thị trường xuất khẩu mà còn ngay cả ở thị trường nội địa. Một trong những hướng ưu tiên để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng, cho doanh nghiệp là xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các loại sản phẩm này, ngoài ra còn có Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong hội nhập kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp hầu hết đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khóc liệt trên thị trường kinh doanh trong nước và cả quốc tế. Chiếm được lợi thế trong kinh doanh cũng như tạo ra giá trị riêng cho doanh nghiệp là điều mà hầu hết các lãnh đạo phải bỏ tâm huyết để gầy dựng. Trong đó tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được xem là một lợi thế trong chiến lược cạnh tranh, quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ là loại tài sản càng sử dụng nhiều càng hiệu quả, càng mang lại lợi nhuận nhiều và đang tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng giá trị tài sản của nhiều doanh nghiệp.
Tài sản trí tuệ là một loại tài sản thuộc nhóm tài sản vô hình; trong nhiều trường hợp tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình. Tài sản trí tuệ là loại tài sản vô cùng quan trọng, quyết định, có giá trị đối với doanh nghiệp tạo động lực để xây dựng lợi thế cạnh tranh tạo khác biệt hóa và phát triển bền vững.
Quyền sở hữu trí tuệ có thể giúp một doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh: Như tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường, hạn chế hành vi sao chép, bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể, hoặc có quyền yêu cầu đối thủ bồi thường khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Do đó, việc triển khai các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho người sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Sóc Trăng là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng
Qua hội nghị tập huấn “Xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương”, các đại biểu đã được truyền tải các nội dung: Tổng quan nâng cao hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ; Tầm quan trọng việc quản trị tài sản trí tuệ; Các phương thức khai thác tài sản trí tuệ; Quản trị tài sản trí tuệ thông qua ứng dụng chuyển đổi số; Một số khuyến nghị về việc quản trị tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia thảo luận những khó khăn của mình trong quá trình sản xuất kinh doanh, kết nội thị trường, phát triển tài sản trí tuệ,…
Nguyễn Phạm Thu Hiền